Bạc Liêu: Nông dân phấn khởi vì trúng mùa tôm càng xanh, lợi nhuận cao

Ngọc Linh

Nhiều nông dân ở tỉnh Bạc Liêu đang bước vào vụ thu hoạch tôm càng xanh trên đất lúa. Họ phấn khởi vì trúng mùa, lợi nhuận cao.

Tại huyện Hồng Dân - vùng sản xuất lúa tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu có hơn 13.000ha tôm càng xanh xen canh cây lúa (vượt kế hoạch thả nuôi hơn 1.000ha). Hiện, bà con nông dân đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích với năng suất bình quân 400 – 500kg/ha.

Có mặt tại xã Vĩnh Lộc A, nhiều nông dân cho biết, hiện tôm càng xanh đang có năng suất khá cao, lại bán được giá ổn định. Trừ các khoản chi phí, bà con còn lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi ha.

Anh Nông Văn Thái, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân cho biết, với diện tích 2,5ha, mỗi vụ anh thả khoảng từ 100 đến 105 thiên (100.000 đến 105.000 con). Sau khoảng 6 tháng nuôi, trừ chi phí khoảng 70 đến 80 triệu đồng, anh còn lãi khoảng 60 triệu đồng.

Theo lời chia sẻ của anh Thái, thông thường, người nông dân bắt tôm càng vào sáng sớm. Khi ấy, chủ ruộng phải xả nước còn lòng đáy, rồi nhờ anh em ở địa phương đến hỗ trợ bắt tôm.

Muốn dễ dàng bắt tôm, bà con phải dùng máy đạp quậy sình (bùn) cho tôm ngạt oxy. Tôm sau khi bắt lên phải được đưa ngay vào nhà rửa sạch sẽ, tạo oxy lại cho tôm sống.

Hiện, thương lái thu mua tôm loại to với giá từ 120.000 đến 130.000 đồng/kg; tôm nhỏ hơn khoảng 60.000 đến 70.000 đồng/kg.

Anh Nông Văn Thạch, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Ba Đình thuộc ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân thông tin, hiện tại, hợp tác xã có 198 thành viên, với diện tích canh tác là 450ha, thực hiện mô hình chính là tôm lúa. Bên cạnh đó, ở vùng đất xấu, canh tác lúa khó khăn thì bà con chuyển sang nuôi tôm càng xanh 2 vụ.

bac-lieu-nong-dan-phan-khoi-vi-trung-mua-tom-cang-xanh-loi-nhuan-cao-1-medium-1666410017.jpeg

Nhiều nông dân cho biết, hiện tại, tôm càng xanh đang có năng suất khá cao, bán được giá ổn định.

Theo anh Thạch, trong mô hình nuôi tôm càng kết hợp với lúa thì đối với tôm càng xanh, giữa tháng 2 âm lịch bà con bắt giống, cải tạo ao đầm để gièo. Thời gian gièo thường là 2 đến 2,5 tháng. Sau khi bà con gièo thì cải tạo ao đầm ở ngoài rồi chuyển tôm ra. Đến giữa tháng 8 âm lịch, nông dân thường bắt đầu thu hoạch tôm để tiến hành cải tạo ao đầm canh tác lúa.

“Riêng đối một số vùng nuôi 2 vụ tôm thì vào đầu năm bà con tiến hành gièo tôm, chuyển ra nuôi với thời gian kéo dài khoảng 6 tháng. Sau khi thu một vụ xong, bà con tiếp tục gièo và nuôi vụ thứ hai”, anh Thạch cho biết.