Đề nghị kéo dài thời gian, nâng mức, mở rộng đối tượng giảm thuế GTGT

Diệu An

Trước tình trạng khó khăn của người dân, doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng giảm thuế GTGT hoặc kéo dài thời gian giảm thuế cũng như có thể nâng mức giảm thuế lên 4% thay vì 2% như đề xuất.

Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhấn mạnh sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý 4 năm 2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

giam-thue-1114-1684997440.jpg

( Ảnh minh họa)

Về nội dung cụ thể của chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn. Điều này có thể sẽ gây bị động cho quá trình điều hành thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua. Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cũng chưa đánh giá cụ thể các tác động dự kiến của chính sách đối với khả năng kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm 2023 như mục tiêu đặt ra.

Theo ông Lê Quang Mạnh, có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để nuôi dưỡng nguồn thu.

Về hiệu lực thi hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT là từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) cho rằng, để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, việc giảm thuế 2% không nên giới hạn, mà nên giảm hết cho tất cả các nhóm hàng hoá, thậm chí có thể giảm sâu hơn. Hiện nay chỉ có chính sách tài khoá mở rộng mới giúp nền kinh tế thoát khỏi đà suy giảm.

Ông Ngân nhấn mạnh: “Chúng ta có dư địa để làm điều đó. Theo tôi, nới lỏng chính sách tài khoá để an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm là bài toán ưu tiên nhất hiện nay, đồng thời nên áp dụng cho tất cả, với thời gian càng lâu càng tốt”.

Trong khi đó, theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) lại bày tỏ quan điểm, giảm thuế là để kích cầu, kích thích tiêu dùng, nhưng trong các mặt hàng mà nền kinh tế chúng ta đang sản xuất, tiêu dùng thì phải lựa chọn, không phải mặt hàng nào cũng cần khuyến khích tiêu dùng. Những mặt hàng nào hạn chế tiêu dùng vẫn cần để ở một mức thuế để hạn chế. Với mặt hàng khuyến khích tăng tiêu dùng thì cần giảm thuế.

"Do vậy không nên giảm thuế ở mức đồng đều với tất cả các mặt hàng mà cần có sự cân nhắc để định hướng tiêu dùng, để nền kinh tế lành mạnh, xã hội lành mạnh", đại biểu Trần Văn Lâm nêu.

Theo phân tích của đại biểu Lâm, một số lĩnh vực dù trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và thu được lợi nhuận lớn hơn trước. Chẳng hạn như các dịch vụ kinh doanh về y tế như vật tư y tế, thuốc men hay buôn bán hàng hoá online, các dịch vụ công nghệ... Vì thế phải cân nhắc các lĩnh vực, họ không bị ảnh hưởng lớn thì không cần giảm thuế.

Bên cạnh đó, vừa qua một số ngân hàng báo cáo lãi suất lớn nên nếu tiếp tục giảm thuế thì không hợp lý. Trong khi đó, bất động sản, chứng khoán gặp khó khăn. Nhưng Chính phủ đang gộp chung vào nên không đánh giá tác động riêng. Vì vậy trước mắt nên áp dụng theo phạm vi Nghị quyết 43/2022/QH15.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, mức giảm thuế GTGT 2% tạm thời chấp nhận được. Sau 6 tháng có thể tính toán tiếp, nếu cần thiết thì tiếp tục còn trước mắt để đảm bảo hệ số an toàn thì xác định ở mức đó để khả thi.

Nhấn mạnh vai trò của giảm thuế GTGT, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng thay vì giảm 2% thuế GTGT có thể xem xét giảm ở mức cao hơn, bởi khi giảm thuế sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm, kích cầu mua sắm, kích thích tiêu dùng, khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Việc giảm thuế dẫn đến giảm giá sản phẩm sẽ làm tăng doanh số bán hàng cho nên dù số thu từ thuế GTGT giảm nhưng số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thu nhập cá nhân, phí và lệ phí…có thể tăng lên, cùng với đó là tăng cường kiểm tra giám sát chống thất thu thuế. Những khoản này sẽ bảo đảm cho cân đối ngân sách.