Lễ hội trái cây Khánh Sơn diễn ra 4 ngày với nhiều hoạt động thú vị

Nam Khánh

Ngày 19/7, UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo về chương trình Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ 2 năm 2022 sắp diễn ra.

Nhiều chương trình tại Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ 2 năm 2022 sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 4 – 7/8/2022. Trong đó, lễ khai mạc sẽ bắt đầu lúc 19h ngày 5/8. Lễ hội diễn ra tại Quảng trường 20/11, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

“Chương trình là hoạt động để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, du lịch của địa phương. Đồng thời, giúp nông dân kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, tạo cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, giới thiệu hình ảnh, con người, ẩm thực và sản phẩm du lịch của huyện Khánh Sơn”, ông Nhuận cho biết.

Trong khuôn viên lễ hội, ban tổ chức sẽ bố trí 50 gian hàng trưng bày các loại trái cây có giá trị kinh tế như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mít tố nữ, mía tím, các loại nông sản đặc trưng của huyện và các mặt hàng có giá trị kinh tế khác của một số địa phương trong, ngoài tỉnh.

le-hoi-trai-cay-khanh-son-dien-ra-4-ngay-voi-nhieu-hoat-dong-thu-vi-4-1658218946.jpeg

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn thông tin về Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ 2 năm 2022.

Xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động mua bán, trao đổi các sản phẩm nông sản sạch của bà con huyện Khánh Sơn với du khách và tổ chức triển khai hoạt động biểu diễn khinh khí cầu.

Bên cạnh đó, tại lễ hội còn có các hoạt động khác như biểu diễn dù lượn có gắn động cơ; hội thảo xây dựng nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất; giải chạy việt dã “Check - in Khánh Sơn”; hội thi trái cây ngon và hội thi “Trưng bày trái cây nghệ thuật”, xác lập kỷ lục trái cây ngon, đẹp năm 2022; hội thi “Già làng khéo tay”.

Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng các chương trình văn hóa nghệ thuật mang bản sắc văn hóa của cộng đồng người Raglai phục vụ du khách; chương trình “Ẩm thực Khánh Sơn” giới thiệu các món ăn truyền thống, đặc trưng của địa phương; các trò chơi dân gian…

le-hoi-trai-cay-khanh-son-dien-ra-4-ngay-voi-nhieu-hoat-dong-thu-vi-3-1658218973.jpeg

Các phóng viên đặt câu hỏi cho ban tổ chức tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đặt nhiều câu hỏi về tính hiệu quả khi tổ chức lễ hội trái cây; việc đảm bảo lưu trú, giao thông cho du khách khi về tham gia lễ hội; kết nối tiêu thụ sản phẩm với các địa phương lân cận; việc thực hiện các tour du lịch kết hợp với lễ hội; các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với trái cây…

Huyện khuyến khích du khách mua nông sản tại các gian hàng

Trả lời các vấn đề báo chí đưa ra, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết hiện nay, lượng du khách và thương lái đến Khánh Sơn ngày càng tăng, người dân có điều kiện kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Một số hộ dân đã làm giàu từ chính những sản phẩm nông sản trên vùng đất của địa phương.

“Trong các loại cây trái ở huyện Khánh Sơn thì sầu riêng chiếm diện tích lớn với 5.000ha. Hiện nay, có khoảng 3.000ha sầu riêng đang cho thu hoạch. Sản lượng sầu riêng hàng năm của huyện Khánh Sơn khoảng 10.000 tấn. Với sản lượng không nhiều nên sầu riêng của Khánh Sơn được thương lái đặt mua hết, không lo về đầu ra.

Huyện Khánh Sơn trồng được nhiều giống sầu riêng như Chín Hóa, Ri6, Monthong, Musang King, khổ qua, sữa, chuồng bò… nhưng nhiều nhất và đặc trưng là sầu riêng Monthong. Thời điểm tổ chức lễ hội cũng là thời điểm vào chính vụ của sầu riêng Monthong”, ông Nhuận cho hay.

Năm nay, thời tiết ở huyện Khánh Sơn không thuận lợi, mưa nhiều và có giông lốc dẫn đến sản lượng sầu riêng giảm. Ước tính sản lượng đạt khoảng 7.000 – 8.000 tấn, giảm khoảng 30% so với năm ngoái.

le-hoi-trai-cay-khanh-son-dien-ra-4-ngay-voi-nhieu-hoat-dong-thu-vi-1-1658219013.jpeg

Lãnh đạo huyện Khánh Sơn giới thiệu các loại trái cây, nông sản đặc trưng của huyện.

Để người dân và du khách thưởng thức loại trái cây đặc sản của huyện là sầu riêng, ông Nhuận cho biết, địa phương đã khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tiệc buffet sầu riêng.

“Tại khu vực diễn ra lễ hội sẽ có niêm yết giá cả các loại trái cây, riêng sầu riêng sẽ có tem dán. Chúng tôi khuyến nghị du khách nên mua sầu riêng tại 50 gian hàng của ban tổ chức bố trí hoặc có thể yêu cầu tách trái tại chỗ để đảm bảo chất lượng”, ông Nhuận nói.

Đại diện UBND huyện Khánh Sơn cũng cho hay, rút kinh nghiệm tại lễ hội trái cây lần thứ nhất, năm nay huyện sẽ kêu gọi người dân mở thêm nhiều điểm ăn uống, quán xá, cơ sở lưu trú (bằng hình thức lán trại hay tại nhà người dân)… để phục vụ nhu cầu ăn ở của du khách, đáp ứng khoảng 5.000 người/lượt.

Hiện nay, giao thông lên huyện cũng đã phát triển hơn trước với nhiều tuyến xe chạy đi từ các địa phương, các tỉnh lên huyện Khánh Sơn. Huyện cũng đã chuẩn bị các phương án để đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian diễn ra lễ hội…

le-hoi-trai-cay-khanh-son-dien-ra-4-ngay-voi-nhieu-hoat-dong-thu-vi-6-1658219041.jpeg

Huyện Khánh Sơn có nhiều loại trái cây có giá trị kinh tế.

Khánh Sơn nằm ở độ cao trung bình từ 400-800m so với mặt nước biển

Huyện Khánh Sơn nằm phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hòa, cách Tp.Cam Ranh 40km, cách Tp.Nha Trang 100km, có dân số trên 26.000 người. Toàn huyện có 21 dân tộc anh em sinh sống, chiếm đại đa số là đồng bào Raglai trên 73%, dân tộc Kinh chiếm khoảng 25%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác như Tày, Thái, Nùng, Hoa, Chăm…

Khánh Sơn nằm ở độ cao trung bình từ 400 - 800m so với mặt nước biển, có khí hậu đặc trưng là nhiệt đới gió mùa, khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Khánh Sơn còn được biết đến là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng gắn với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, có một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người đồng bào Raglai.