Du lịch Việt Nam "khởi sắc" có thể đón 13 triệu khách quốc tế

Thuỳ Dương

Việt Nam đã đón gần 9 triệu lượt khách quốc tế, vượt chỉ tiêu ngành du lịch đặt ra từ đầu năm.

Đón 1 triệu lượt khách đến trong tháng 9

Theo VTV, việc trên 1 triệu lượt khách đến trong tháng 9 đã giúp 9 tháng năm nay, ngành du lịch của Việt Nam đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế, vượt qua mục tiêu của cả năm là 8 triệu lượt. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến đề nghị nâng mục tiêu đón khách du lịch quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên 12,5-13 triệu lượt.

Xét về quy mô thị trường, trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu trong 9 tháng đầu năm, Hàn Quốc xếp vị trí đầu tiên với gần 2,6 triệu lượt, chiếm 29% tổng lượng khách. Kế tiếp là Trung Quốc vượt mốc 1 triệu lượt.

Tuy nhiên, nếu tính theo mức độ phục hồi so với cùng kỳ trước dịch (năm 2019) thì thị trường Trung Quốc mới đạt tỉ lệ phục hồi 28%. Ở thời điểm trước dịch, Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt.

Đặc biệt, một số thị trường thậm chí đã cao hơn so với cùng thời điểm trước dịch, như: Thái Lan (102%); Singapore (106%); Campuchia (267%). Ở khu vực Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có bước phục hồi ấn tượng (240%).

du-lich-viet-nam-khoi-sac-co-the-don-13-trieu-khach-quoc-te-0-1696473877.jpeg

Việt Nam dự kiến nâng mục tiêu đón khách quốc tế lên 13 triệu lượt. Ảnh minh họa.

Du khách nước nào đến Việt Nam nhiều nhất?

Thông tin trên báo Dân Trí, về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 9 tháng đầu năm với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Thị trường Trung Quốc đã vượt mốc 1 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2; Đài Loan vượt qua Mỹ lên vị trí thứ 3 với khoảng 575.000 lượt; Mỹ xếp thứ 4 với khoảng 548.000 lượt; Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với khoảng 414.000 lượt.

Trong 10 thị trường hàng đầu có 3 thị trường Đông Nam Á: Thái Lan (351.000 lượt); Malaysia (333.000 lượt); Campuchia (289.0000 lượt); Úc xếp ở vị trí thứ 9 (283.000 lượt); Ấn Độ xếp thứ 10 (278.000 lượt).

Đặc biệt ở châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam gồm có: Anh (187.000 lượt), Pháp (155.000 lượt) và Đức (142.000 lượt), xếp sau là thị trường Nga với 88.000 lượt.

Về mức độ phục hồi so với cùng thời điểm trước dịch, một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt: Mỹ (96,4%) Hàn Quốc (82,3%), Đài Loan (85,3%).

Trong khi đó, các thị trường Đông Nam Á phục hồi khả quan: Malaysia (76,9%), Philippines (84%). Đặc biệt, một số thị trường thậm chí đã cao hơn so với cùng thời điểm trước dịch: Thái Lan (101,7%); Singapore (106,5%); Campuchia (267,1%). Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có bước phục hồi ấn tượng (240%).

Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu: Đức phục hồi tốt nhất với 87,1%; Tây Ban Nha đạt 82,4%; Anh đạt 78,9%; thấp hơn một chút là Italia (76,7%); Pháp (71,9%).

Dù vậy, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỉ lệ phục hồi 28,2%. Ở thời điểm trước dịch, thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015-2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt.

Với việc ngành du lịch sẽ bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm, tận dụng cơ hội từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8, kỳ vọng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Trước những tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch, các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp cho rằng dù đã về đích sớm, du lịch Việt Nam cũng cần có những kế hoạch mới cho toàn ngành từ đây đến cuối năm.

Trên thực tế, dù đón lượng khách tăng nhanh, du lịch Việt Nam vẫn còn gặp một số thách thức như chi phí du lịch cao, khả năng kết nối hàng không còn hạn chế, và thị trường Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Bên cạnh đó, du lịch là ngành chịu nhiều tác động của những ngành nghề khác nhau. Vì thế, khi du lịch có những mục tiêu cao hơn, các bộ ngành khác cũng sẽ có chính sách điều chỉnh phù hợp với cơ hội thị trường.

Du lịch toàn cầu biến động

Báo Tổ Quốc dẫn nguồn báo cáo mới của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp quốc (UN WTO), thống kê số lượng khách du lịch quốc tế trên khắp thế giới trong tháng 7/2023 chỉ thấp hơn 10% so với cùng tháng năm 2019 và là mức thu hẹp khoảng cách nhỏ nhất kể từ năm 2020.

Điều đáng chú ý là các nước Trung Đông đang nỗ lực thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế với mục tiêu đưa du lịch phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Cụ thể, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Saudi Arabia tăng khoảng 5,8 triệu vào năm nay so với mức năm 2019. Chính phủ Saudi Arabia đặt mục tiêu tăng mức đóng góp của ngành du lịch vào tổng sản phẩm quốc nội lên 10% và tạo ra 1,6 triệu việc làm vào năm 2030 theo Kế hoạch mang tên "Tầm nhìn 2030", một chương trình nhằm giúp đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Tương tự, UAE, Qatar và Jordan cũng góp phần vào sự gia tăng tổng thể số lượng khách du lịch quốc tế trong khu vực. Các sự kiện quốc tế, bao gồm Expo 2020 Dubai, được tổ chức từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 hay Giải bóng đá thế giới 2022 tại Qatar đã thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài đến khu vực này và dòng vốn vẫn tăng cao.

Trong mắt của hầu hết mọi người, nhắc đến Dubai là nhắc đến thành phố xa hoa sở hữu những những thứ siêu sang, siêu độc. Đặc biệt, Dubai là quốc gia không sản xuất dầu, đã nỗ lực xây dựng các khách sạn và cơ sở lưu trú khác nhằm thu hút dòng người, hàng hóa và tiền bạc với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của Trung Đông.

Vào thời điểm hiện tại, thị phần tại Trung Đông về tổng lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu vẫn ở mức dưới 10% so với 60% của châu Âu, nhưng đây được xem là tín hiệu tích cực của ngành du lịch. Theo UN WTO, đầu tư du lịch tại Trung Đông vào năm 2022 đạt tổng cộng 12 tỷ USD, vượt 10 tỷ USD ở Bắc Mỹ.

Ngược lại với Trung Đông, sự phục hồi của khách du lịch quốc tế diễn ra chậm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với số liệu thống kê trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 vẫn thấp hơn 39% so với năm 2019.

Khách du lịch quốc tế của Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) giảm hơn 50% so với năm 2019. Sự phục hồi về số lượng khách du lịch quốc tế cũng diễn ra chậm ở Thái Lan, một quốc gia du lịch lớn ở châu Á. Để phục hồi ngành du lịch Hồng Kông (Trung Quốc) đã kích hoạt các chương trình thu hút nguồn du khách quốc tế nhưng nhu cầu du lịch vẫn còn yếu.