Hình tượng Anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - từ văn học dân gian đến trường ca “Lê Lợi mài gươm”

Ngọc Linh

Xứ Thanh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra những anh hùng hào kiệt, văn nhân, võ tướng nổi danh trong lịch sử dân tộc. Hơn hết, xứ Thanh tự hào là nơi phát tích của những vương triều gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các vị vua. Đó cũng là mạch nguồn cảm hứng dạt dào để văn học xứ Thanh phát triển. Trường ca "Lê Lợi mài gươm" (NXB Hội Nhà văn, 2020) của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm nằm trong mạch nguồn cảm hứng ấy.

245d6225107t12772l0-medium-1663465533.jpeg

Trường ca “Lê Lợi mài gươm” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một trong những nguồn cảm hứng bất tận cho văn học Việt Nam nói chung, văn học xứ Thanh nói riêng. Trong đó, hệ thống các truyền thuyết, huyền thoại, giai thoại về ông và nghĩa quân Lam Sơn còn được lưu giữ, trao truyền tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm nên sức hấp dẫn của kho tàng văn học dân gian xứ Thanh.

Qua các sáng tác dân gian, hình tượng Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi vừa gần gũi, giản dị vừa có chút huyền bí, thần hóa. Đó là con người có lòng yêu nước nồng nàn, thông minh, dũng cảm, mưu lược, nghĩa tình với tướng sĩ, thuộc hạ, hết lòng thương dân. Như truyền thuyết về hòn đá mài mực ở vùng Xuân Mỹ (Thường Xuân) kể lại rằng: Tương truyền, thời kỳ đầu khi nghĩa quân Lam Sơn còn non yếu, nghĩa quân bị quân Minh truy đuổi phải chạy về phía thượng nguồn sông Chu. Ở đây, nghĩa quân đã dựng lán, hạ trại để tập luyện và rèn binh khí. Dấu vết lán trại tuy không còn nhưng trên sông vẫn còn hòn đá. Nơi đây, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi mài son rửa bút, có tích lại nói rằng gươm, giáo làm xong được đem ra hòn đá để mài, mài đến nỗi nước ở khúc sông đen như mực nên gọi là hòn Mài Mực.

Không chỉ có truyền thuyết, truyện kể khắc họa tinh thần yêu nước, chí khí, tài mưu lược của Lê Lợi mà trong kho tàng văn học dân gian, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn hiện diện là con người luôn nhận được sự che chở của thần linh, cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ tận tình của Nhân dân, từ đó, hình tượng, sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn càng được biểu dương.

Nếu văn học dân gian cho độc giả cảm giác như thực, như mơ về hình tượng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn thì trường ca “Lê Lợi mài gươm” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã dụng công xây dựng hình tượng người anh hùng giải phóng dân tộc đầy khí phách, bản lĩnh, vừa giản dị, chân thực vừa sắc nét.

Lẩy “tứ” từ một hình ảnh rất đẹp để đặt tên cho tác phẩm, trường ca “Lê Lợi mài gươm” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm trải dài 5 chương, mỗi chương gắn với một giai đoạn, dấu ấn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: “Sấm động rừng Lam”, “Lê Lợi mài gươm”, “Bên bếp lửa nhà sàn”, “Bàn thề Lũng Nhai”, “Cờ nghĩa”... Lê Lợi hiện diện trong những trang trường ca đầu tiên với tất cả nỗi đau đớn, bồn chồn, của một trái tim rực lửa yêu nước, thương dân, căm hận lũ giặc tàn ác đã gây ra “nghìn vạn nỗi đau” cho dân tộc. Soi bóng vào lịch sử, dõi theo tiền nhân: chí khí Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, “những trang sử chói ngời Lý Thường Kiệt đánh tan giặc Tống”, “ba lần Trần Hưng Đạo đánh tan giặc Mông Nguyên”... Để rồi mở ra giấc mộng tự chủ, chí khí ngút ngàn dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân giặc, mang lại cuộc sống yên bình cho Nhân dân: “Đêm ấy/ Lê Lợi ngồi mài gươm/ Đầu chít khăn/ Lưng thắt dây rừng/ Chân đi giày cỏ/ Rừng Lam hoang dã/ Sóng sông Lường vạc đá/ Tiếng gươm siết vào ánh trăng/ Trong ông vọng lên tiếng rú/ Đau nhói và nhức buốt”. Đó là tiếng rú của tình yêu, trách nhiệm và cả sự căm phẫn, xót xa. Bởi vậy, hình ảnh Lê Lợi lặng lẽ mài gươm dưới ánh trăng càng thêm sức gợi, tính thiêng, khắc tạc trong tâm trí độc giả nhiều thế hệ: “Lê Lợi mài gươm là tiếng lòng trăm họ/ Là thuận theo ý nguyện của trời xanh... Ông vung gươm chém đá xin thề/ Mục Sơn, Linh Sơn, Pù Rinh... lặng lẽ nghiêng về/ Trăng sao tụ vào ánh thép/ Lưỡi gươm nhập khí thiêng trời đất/ Cỏ cây sáng lên thành hịch.../ Gươm này sẽ hóa lửa thiêng/.../ Gươm thiêng sẽ sáng rực trời/ Trăm hoa Đại Việt lại ngời sức xuân/ Triệu người thành triệu nghĩa quân/ Xin thề quét sạch bạo tàn giặc Minh”...

“Bên bếp lửa nhà sàn”, Lê Lợi bừng tỉnh: “Cuộc khởi nghĩa này không riêng của Lam Sơn/ Đây là cuộc khởi nghĩa của toàn dân tộc”. Vì lẽ đó, “đức nghĩa nhân là gốc của sinh tồn” và “người chủ soái càng phải giàu mưu lược”, “nước trăm sông phải hợp được một nguồn”... Lê Lợi khiêm nhường cảm ơn các anh hùng, tướng sĩ, cùng ngồi bên nhau thảo luận việc quân. Tất cả cùng tỏa sáng niềm tin, ý chí, khát vọng, tổ chức “bàn thề Lũng Nhai”, giương cao “cờ nghĩa”. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, “nước non Đại Việt mở ra/ Một trang sử mới bao la chân trời/ Dưới cờ là sức vạn người/ Bình Định Vương hóa mặt trời ban mai”.

Dõi theo bước nghĩa quân Lam Sơn trong hành trình lịch sử, lắng lòng nghe những câu chuyện kể dân gian hay khi đọc trường ca “Lê Lợi mài gươm” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm trong cảm hứng sử thi, vang vang nhịp thơ hào hùng, thi ảnh độc đáo, hình tượng Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi luôn sáng ngời khí chất, trí tuệ, bản lĩnh. Ngọn cờ Lam Sơn chính là biểu tượng cao đẹp cho chính nghĩa, cho “khát vọng độc lập, tự do của Nhân dân trăm họ”, sống mãi trong những trang sử vàng lấp lánh chiến công của dân tộc và trong trái tim mỗi người dân đất Việt.