Tín ngưỡng hầu đồng thể hiện qua triển lãm Mây thượng thiên

Ngọc Linh

Mới đây, họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh đã giới thiệu tới công chúng triển lãm Mây thượng thiên. Với những nét vẽ ấn tượng, anh đã mang đến cho người xem cảm xúc mới lạ...

Hoạ sĩ Nguyễn Khắc Chinh tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam 2006, anh là thành viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Vào ngày 17/7, hoạ sĩ Nguyễn Khắc Chinh đã khai mạc triển lãm Mây thượng thiên. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ sáu của họa sĩ, đồng thời được tổ chức tại chính studio của anh. 

dscf1819-1658106366.jpeg
 

Hoạ sĩ Nguyễn Khắc Chinh trong buổi triển lãm tranh của mình.

Các tác phẩm chủ yếu được họa sĩ thực hiện trong giai đoạn hơn 10 năm từ 2011 - 2022. Tác giả bật mí một vài bức tranh trong buổi triển lãm là sản phẩm do một số các nhà sưu tập nước ngoài đặt hàng trước đó. Tuy nhiên, mục đích chính của buổi triển lãm mà họa sĩ tổ chức không phải để rao bán các tác phẩm mà để người xem nhận thấy sự chuyển biến trong phong cách mỹ thuật và đề tài của họa sĩ.

Điểm nhấn của buổi triển lãm đến từ những bức tranh đậm nét văn hóa dân gian, cụ thể là tín ngưỡng hầu đồng được họa sĩ thể hiện một cách ẩn ý và đầy khéo léo qua những chi tiết, cách chọn chất liệu họa cụ, gam màu. Các nhân vật trong tác phẩm của anh đều không có một sự phân định cụ thể về bản sắc, giới tính, thời gian.

Họa sĩ chia sẻ, anh muốn mang đến cho người xem vẻ đẹp của nghệ thuật, đó là vẻ đẹp con người, không quan trọng tính nam hay tính nữ. Ngoài ra, sự không phân định sẽ khiến cho bản thân người xem phải đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh tác phẩm, từ đó gợi mở những liên tưởng thú vị hơn khi quan sát.

2-co-chin-thuong-thien-goddess-in-heaven-1658106545.jpeg
 

Bức tranh Cô Chín thượng thiên của hoạ sĩ Khắc Chinh.

Nói về việc thể hiện tín ngưỡng hầu đồng vào tranh của mình, hoạ sĩ Nguyễn Khắc Chinh cho PV biết: "Tôi muốn tôn vinh những vẻ đẹp tinh hoa của dân tộc vốn đã tồn tại lâu đời nhưng đến nay, những nét đẹp ấy dần trở nên lu mờ, từ trang phục đến lối sống, ví dụ như tín ngưỡng hầu đồng. Xã hội hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với ngày trước, tuy nhiên, văn hóa người Việt vẫn còn đó những tinh hoa mà chúng ta cần phải gìn giữ, phát triển thay vì để nó bị lãng quên.

Tôi muốn cho người xem cảm nhận được cái hồn cốt, vẻ đẹp văn hóa của người Việt Nam. Việc thể hiện nét văn hóa dân gian trong lĩnh vực hội họa sẽ khác biệt với việc chúng ta đi tham quan các di tích lịch sử khi nó tạo nên chiều sâu để người thưởng thức có thể tự cảm nhận được".

Phát biểu tại buổi khai mạc, họa sĩ Phạm Bình Chương - Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật cho hay: "Tranh của hoạ sĩ Chinh kết hợp giữa cổ điển, hiện thực và siêu thực, tính dân gian còn được thể hiện rất rõ. Việc lựa chọn gam màu, bố cục, hình tượng theo cách riêng biệt là một trong những điều tạo nên dấu ấn cho họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh".

dscf1792-medium-1658106629.jpeg
 
7-tam-su-confidence-1658106709.jpeg
 

Một số bức tranh của hoạ sĩ Chinh được người xem thích thú.

Các bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, thực hiện trên vải canvas. Tác giả chia sẻ quy trình vẽ tranh của bản thân tương đối phức tạp và công phu. Anh sử dụng rất nhiều chất liệu và vô số các loại dung dịch để bức tranh của mình được hoàn hảo nhất. Một bức tranh sơn dầu bao gồm nhiều lớp, cần có ít nhất 20 ngày để các dung dịch và màu trên một bề mặt khô lại và chuyển sang lớp khác. Quá trình chờ đợi hoàn thành lớp bề mặt ấy đòi hỏi tính kiên nhẫn mà ít người có thể chịu được.

Ngoài những tác phẩm thể hiện nét văn hóa dân gian của người Việt, họa sĩ đã đan cài một số chi tiết thể hiện cuộc sống hiện đại, thuộc về văn hóa đại chúng. Triển lãm diễn ra từ ngày 17/7 đến 21/7/2022 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể đã họp tại Adis Abebas, Ethiopia từ 28/11 đến 3/12/2016 đã chính thức ra nghị quyết công nhận "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt" là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, và TP. Hồ Chí Minh mà Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.