Xuất khẩu gạo tăng 28%, trở thành điểm sáng trong "bức tranh" xuất khẩu

Nam Khánh

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để tăng trưởng về sản lượng và giá trị.

Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh sau khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ

Thời gian gần đây, thị trường gạo nội địa và xuất khẩu bất ngờ sôi động vượt ngoài tất cả các dự báo khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo ngày 20/7. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 27/7, mức chào giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 10 USD/tấn đối với phân khúc gạo 5% và 25% tấm so với ngày trước đó, đạt mức 558-562 USD/tấn đối với loại 5% tấm và 538-542 USD/tấn đối với loại 25% tấm.

Chỉ trong 3 phiên gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng tới 25 USD/tấn. Được biết, đây cũng là mức giá chào bán cao nhất mà các doanh nghiệp gạo Việt Nam đưa ra kể từ tháng 7/2021 đến nay.

Cụ thể, nếu so với thời điểm ngày 20/7 - tức thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng, thì giá chào bán của Việt Nam hiện đã tăng thêm 25 USD/tấn đối với cả phân khúc 5% và 25% tấm. Trước đó, ngày 20/7, gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam được chào bán lần lượt với mức giá 533-537 USD/tấn và 513-517 USD/tấn. Nếu so sánh với mức giá được thiết lập vào đầu năm 2023, thì hiện giá gạo 5% và 25% tấm được doanh nghiệp Việt Nam chào bán tăng khoảng 85 USD/tấn.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, nửa đầu tháng 7 (1 - 15/7) cả nước xuất khẩu 249.273 tấn gạo, kim ngạch đạt 135,45 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến 15/7, bình quân mỗi tấn gạo xuất đi có giá trị hơn 530 USD/tấn, tăng hơn 40 USD mỗi tấn so với cùng kỳ năm 2022.

Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều năm ở châu Á gồm: Philippines, Trung Quốc và Indonesia, với kết quả lần lượt là (cập nhật theo thị trường trong 6 tháng đầu năm): 1.698.593 tấn, 857,7 triệu USD; 677.387 tấn, 390,6 triệu USD: 492.801 tấn, 244 triệu USD.

Hoạt động xuất khẩu sang 3 thị trường chủ lực đều có tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2022.

Thông tin trên VTV, những ngày này, nông dân ĐBSCL bắt đầu thu hoạch vụ lúa Hè Thu. Ngày 25/7, giá lúa gạo tại thị trường trong nước tiếp tục tăng từ 200 - 300 đồng/kg.

tin-vui-xuat-khau-gao-tang-28-gia-tang-tung-ngay-0-1690594205.jpeg

Giá gạo thế giới đang ở mức cao nhất trong 11 năm qua và sẽ còn tiếp tục tăng đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhưng cũng đặt ra thách thức về đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Ảnh minh họa.

Năm nay xuất khẩu gạo gặp thuận lợi nhất?

Liên quan đến thông tin, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ngày 20/7/2023 đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường, quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, việc Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã khẩn trương có văn bản gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Các hội viên cần thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước…

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Công Thương, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo mấy ngày nay biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Nguyên nhân giá gạo tăng là do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, do đó bất kỳ động thái nào liên quan đến xuất khẩu gạo của quốc gia này cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Đặc biệt là với các nước sử dụng gạo làm lương thực tiêu dùng chính.

“Từ khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, mặc dù thị trường tiêu dùng chưa có vấn đề gì, song lệnh cấm đã khiến giá gạo tăng mạnh. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo, tự trả giá cao hơn 10-20 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, việc tăng giá đột ngột khiến các doanh nghiệp cũng thận trọng hơn khi giao dịch. Bởi họ chưa biết giá gạo sẽ tăng đến mức nào", ông Đỗ Hà Nam cho biết.

Vụ có sản lượng lớn nhất là vụ Đông Xuân đã qua rồi, nên tổng sản lượng để xuất khẩu năm nay sẽ giảm. Trong khi cung không đủ cầu nên doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho hay, trước thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tạm ngưng chào giá hợp đồng mới để tập trung lo cho các hợp đồng đã ký trước đó.

Động thái của Ấn Độ xuất hiện cùng với nguồn cung trên thế giới gần đây hạn chế, nên nhiều khách hàng chuyển sang đặt hàng gạo Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Thành, hiện các doanh nghiệp đang tập trung trả hàng cho các đơn hàng đã ký. Mặt khác, giá lúa mua vào đang tăng cao nên nhiều doanh nghiệp e ngại vì giá gạo xuất khẩu chưa theo kịp.

Cũng theo ông Thành, động thái của Ấn Độ trước mắt mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp có hàng tồn kho, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro đối với doanh nghiệp không có hàng. “Cũng chưa biết chính sách của Ấn Độ kéo dài bao lâu, nếu mua vào nhiều để đó rồi bất ngờ Ấn Độ dỡ thông báo, lúc đó đổ xô bán tháo bán lỗ”, ông Nguyễn văn Thành dự báo.

Theo báo Đầu Tư, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng năm nay xuất khẩu gạo gặp thuận lợi nhất. Trong đó, sản xuất thắng lớn khi cơ cấu giống lúa có nhiều chuyển biến, năng suất cao. Nhu cầu nhập khẩu tại thị trường cũ như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia, một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến. Ngoài ra, gạo thơm Việt Nam thực hiện xúc tiến thương mại thêm tại các thị trường ngách và ngày càng có vị thế riêng đã giúp bức tranh xuất khẩu có thêm nhiều thành tích.

Theo số liệu của Vietnam+, mỗi năm tiêu thụ gạo trong nước đạt khoảng 10 triệu tấn gạo (15 triệu tấn thóc). Số thóc dùng để làm giống và chế biến, làm thức ăn chăn nuôi… khoảng 12 triệu tấn. Năm 2023, xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt trên dưới 8 triệu tấn gạo. 

Trước đó, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng thu được những kết quả vô cùng ấn tượng khi số lượng đạt 7,1 triệu tấn, cao nhất 10 năm trở lại đây với giá trị đạt 3,45 tỷ USD, tăng 5,1% về kim ngạch và giá xuất khẩu bình quân năm đạt 486 USD/tấn. Đáng chú ý, từ tháng 8/2022 đến hết năm 2022, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới, vượt gạo Thái Lan 15-27 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 40-50 USD/tấn.